Trong tương lai gần, bất động sản công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định trong phát triển, nhưng nhìn chung, có hai áp lực chính đang nổi lên, theo nhận định của các chuyên gia.
Thách thức đầu tiên là triển vọng lợi nhuận giảm. Tỷ suất vốn hóa tài sản vận hành đang chịu áp lực giảm do chi phí tài chính tăng cao, thời hạn sử dụng đất ngắn và sự cạnh tranh khốc liệt từ các thị trường khác trong khu vực châu Á với giá thuê đất thấp hơn đáng kể.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ suất vốn hóa tại Việt Nam đang tăng từ 9% đến 12%, chủ yếu do sự gia tăng nguồn cung từ các nhà xưởng và nhà kho xây sẵn chất lượng cao trên toàn quốc.
Áp lực thứ hai đến từ cạnh tranh giá thuê đất, đặc biệt là so với các nước láng giềng như Thái Lan. Giá thuê đất công nghiệp ngoại ô Bangkok hiện đang ở mức thấp hơn đáng kể so với ngoại ô Hà Nội và TP HCM.
Theo Giám đốc điều hành Knight Frank Việt Nam, ông Alex Crane, thuế toàn cầu và phí logistics cao sẽ là những thách thức khó khăn trong việc thu hút nhà sản xuất đầu tư vào Việt Nam. Bất chấp việc ký kết nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), chi phí lao động và xây dựng tăng cao đang tác động đến lợi thế chi phí của Việt Nam.
Dù bất động sản công nghiệp và chế xuất vẫn là lĩnh vực trọng yếu của Việt Nam, nhưng năm 2024 sẽ đối mặt với không ít thách thức trong việc thu hút đầu tư và lấp đầy mặt bằng xây sẵn.
Tuy nhiên, nhìn xa hơn, chuyên gia vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của bất động sản công nghiệp. Với tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 4,7% đến 5% năm nay, cùng với cam kết đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thị trường trung tâm dữ liệu phát triển nhanh chóng, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội thuận lợi.
Sự gia tăng về thâu tóm trong ngành bất động sản công nghiệp và logistics cũng được dự đoán sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới, mang lại cơ hội cho cả khách thuê và nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường có thể tiếp tục phát triển tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.
Nguồn VNE